02/05/2017
Buổi sinh hoạt thứ hai của Câu lạc bộ khởi nghiệp Gia đình xoay quanh câu hỏi: “Làm sao để khởi nghiệp thành công?” đã diễn ra trong không khí sôi nổi
Giữa vô số doanh nghiệp khởi nghiệp, chỉ có rất ít doanh nghiệp thành công. Đâu là bí kíp tạo nên thành công cho những doanh nghiệp hiếm hoi đó?
Cái nắng gắt của trời Sài Gòn cuối tháng 3 không cản được ước mơ học hỏi của những thành viên trong Câu lạc bộ Khởi nghiệp Gia đình. Từ các quận, nhiều thành viên vẫn dồn về Én Tea House & Restaurant để nghe hai nữ doanh nhân thành công chia sẻ. Đó là doanh nhân Lê Hoài Anh, Chủ tịch HAL Group, Tập đoàn nổi tiếng chuyên phân phối các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp như Clarins, L’Occitane, bà chủ của Anna Spa và doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Hưng Phú, chủ nhà hàng Khoái chuyên về món ăn Nha Trang.
Kiên trì, đấy là những gì thành viên câu lạc bộ cảm nhận được khi cầm trên tay chiếc bánh bông lan chà bông của thành viên Thủy Thương, Q. 9, TP. HCM. Với đam mê mở tiệm bánh, trong lần sinh hoạt đầu tiên, chị mang bánh quy nhân dứa đến để khảo sát thị trường. Song, do phần lớn ý kiến đánh giá bánh có chất lượng trung bình nên lần này, chị thử sức với một loại bánh mới, hy vọng tìm ra loại bánh có thể tạo nên sự khác biệt. Cũng với mục đích khảo sát thị trường, chị Huyền mang theo chả lụa Cô Út còn nóng hổi mà chị đã làm lúc 2 giờ sáng, từ thịt mới ra lò. Sản phẩm được các thành viên câu lạc bộ khen ngon và chị đã có thêm nhiều khách hàng mới.
Đồng hành cùng TTGĐ lần này có nhãn hàng cà phê Mr.Brown. Mr.Brown được biết đến như một thương hiệu cà-phê hàng đầu tại Đài Loan về cà phê lon, nhận được chứng nhận sản phẩm vì sức khỏe và chứng nhận thực phẩm đạt tiêu chuẩn GMP của chính phủ Đài Loan. Thành viên không “ưa” ngọt yêu thích hương vị cà phê sữa MR Brown Coffe hoặc Cà phê sữa Cappucino; còn thành viên thích ngọt nhiều lại hứng thú với vị cà phê sữa đậm đặc Blue Mountain. Nhâm nhi cà-phê cùng với bánh bông lan chà bông, chả lụa do các thành viên khởi nghiệp mang đến khiến buổi sinh hoạt càng thêm vui vẻ, gần gũi.
Buổi sinh hoạt thứ hai của Câu lạc bộ khởi nghiệp Gia đình xoay quanh câu hỏi: “Làm sao để khởi nghiệp thành công?”, tập trung vào 3 vấn đề: ra ý tưởng, chọn ý tưởng và phát triển ý tưởng mà người khởi nghiệp rất quan tâm. Nhiều bài học đã được các thành viên ghi chép lại và đây cũng là những kinh nghiệm dành cho bạn.
Hãy khởi nghiệp khi bạn còn đủ trẻ, còn đam mê, nếu thất bại vẫn còn có thể lại bắt đầu”, đấy là ý kiến của doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Diệp. Chị Diệp kể chị có người bạn muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực rau sạch. Khi đó, ý tưởng này còn rất mới. Vài năm sau gặp lại người bạn này, chị Diệp được biết ý tưởng đó vẫn còn trên giấy. Song lúc này, ý tưởng làm rau sạch không còn mới nữa, rất nhiều người đã làm và thành công.
Chị Diệp nhấn mạnh: “Bạn không nên liều, lao vào một lĩnh vực mà mình chưa tìm hiểu kỹ. Song nếu bạn đã có tìm hiểu, cảm thấy kế hoạch chắc ăn 50–60% hãy khởi động. Trong quá trình làm nếu có sai, bạn vẫn có cơ hội sửa sai. Chờ đợi khiến cơ hội vụt qua, rơi vào người khác rồi”.
Đồng quan điểm này, doanh nhân Hoài Anh khẳng định: “Khi bạn kỹ lưỡng, đa nghi quá, bạn sẽ chẳng bao giờ dám làm gì cả. Tôi chắc chắn rằng, không có kế hoạch nào chắc ăn 100%”.
Ước mơ của doanh nhân Ngọc Diệp khi khởi nghiệp là mở cửa hàng thời trang nam. Song, sở thích được thị trường đón nhận mới thành công. Chị làm rất nhiều nghiên cứu thị trường và nhận thấy năm 2009, kinh tế đi xuống, lĩnh vực này chưa phải là tiềm năng. Ngoài thời trang, chị còn đam mê ẩm thực, một lĩnh vực mà dù kinh tế đi xuống, người dân vẫn phải cần ăn. Chị ra Nha Trang, ở với dân để tìm hiểu về món ăn. Chị nhận thấy, các món ăn Nha Trang đáp ứng được nhu cầu của người Sài Gòn là cần thực phẩm tốt cho sức khỏe. Lúc này, đối thủ cạnh tranh cũng không nhiều. Chị quyết định khởi nghiệp.
Chị Diệp đúc kết: “Để biết ý tưởng của mình có đúng không, bạn hãy nghiên cứu thị trường với 3 câu hỏi sau: “Ý tưởng có phù hợp cho nhu cầu hiện nay?”, “Bạn có đối tượng khách hàng cụ thể?”, “Ý tưởng này có sự khác biệt để cạnh tranh với đối thủ khác?”. Nếu bạn trả lời “Có” thì đó là ý tưởng tốt, bạn nên theo đuổi”.
Chị Hoài Anh chia sẻ hầu hết người khởi nghiệp đều mắc sai lầm: Không xem xét việc mình có đủ tài lực để theo đuổi ý tưởng hay không. Chị cho hay: “Hầu hết các doanh nghiệp bắt đầu với số vốn không đáng kể. Do đó, bạn hãy lên kế hoạch tài chính để xem bạn có đủ sức theo đuổi nó không, bởi chẳng có ý tưởng nào thành công từ năm đầu cả, thường phải lỗ vốn trong năm đầu. Bản thân tôi, dù chỉ phân phối cho Shiseido vốn đã rất nổi tiếng, tôi cũng mất 3 năm lỗ vốn, phải bán xe hơi, thế chấp nhà, bán hết nữ trang tích lũy được từ trong quá trình xuất khẩu nông sản”.
Cứ mơ tất cả những điều bạn ước nhưng hãy suy nghĩ thực tế: Bạn đang cần cái gì nhất và làm cách nào để đạt được mục đích đó một cách nhanh nhất
Doanh nhân Hoài Anh bắt đầu khởi nghiệp khi mới 23 tuổi. Lúc đó, chị chỉ nghĩ rằng, mình sẽ làm gì để kiếm tiền. Biết rõ mục đích của mình nên vào thời điểm 1988–1989, chị không thành lập doanh nghiệp mà sẵn sàng trở thành “con buôn”, lặn lội xuống các tỉnh để mua nông sản chở lên thành phố bán cho các nhà xuất khẩu để hưởng chênh lệch giá. Đó là cách kiếm tiền nhanh, ít vốn nhất, chỉ tốn sức trẻ. Song đây lại là nền móng để chị trở thành người nổi tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản rồi lấn sân sang mỹ phẩm, trở thành “doanh nhân nghìn like” như hiện tại.
Chị kết luận: “Hãy đặt mục đích vừa phải, sao cho dễ thực hiện để từng bước đạt đến ước mơ lớn của bạn”.
Đây là quan điểm chung của cả doanh nhân Hoài Anh và Ngọc Diệp. Đừng kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào chỉ vì bạn tự tin rằng có rất nhiều người thân, quen ủng hộ.
Đơn cử như lúc đầu kinh doanh nhà hàng, lúc đầu chị Diệp có rất nhiều bạn bè đến ủng hộ. Song, nếu cứ dựa vào người quen thì không chóng thì chày nhà hàng cũng sẽ vắng khách. Chị Diệp sớm nhận ra điều ấy và cải thiện chiến lược marketing sau 3 tháng nhà hàng khai trương.
Theo chị Hoài Anh, tình hình này cũng diễn ra tương tự trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm hay bất cứ lĩnh vực nào khác. Chị kể: “Khi con tôi muốn kinh doanh và cháu khoe có rất nhiều bạn ủng hộ, tôi bảo: “Hãy gạt hết bạn bè sang một bên và chú ý đến sản phẩm con định bán là gì, đã chọn đúng đối tượng khách chưa, chất lượng, giá thành có đủ sức cạnh tranh không. Đừng chỉ dựa vào khách quen vì họ không thể ủng hộ con suốt chặng đường dài”.
Khi khách đông mà bạn không chăm sóc hệ thống, doanh nghiệp sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Đó là lý do sau thời gian xây dựng hệ thống cơ bản, tiến hành các hoạt động marketing, doanh nhân Ngọc Diệp phải ngược trở lại để xây dựng hệ thống, đảm bảo cơ cấu đồng bộ, vận hành một cách tốt nhất. “Xây dựng quy trình, chuẩn hóa công thức món ăn và nguồn nguyên liệu đầu vào từ những bước nhỏ nhất. Ngay cả cô lao công cũng có bản mô tả công việc chi tiết. Tôi từng đọc cuốn sách Xây dựng để trường tồn và thấm thía rằng: Muốn doanh nghiệp tồn tại và phát triển phải chú ý đến hai yếu tố: Hệ thống và con người. Công ty có hệ thống, có quy củ mới có thể phát triển thành một doanh nghiệp hàng đầu”.
Hai doanh nhân Hoài Anh và Ngọc Diệp dù đã thành công nhưng vẫn luôn học hỏi không ngừng, đọc rất nhiều sách, học trên mạng Internet, tham gia nhiều khóa học về quản lý, marketing. “Sách nghe có vẻ lý thuyết nhưng nó lại giúp bạn có tư duy tốt. Bạn sẽ không thể áp dụng 100% kinh nghiệm như trong sách nhưng bạn có thể tư duy, biến tấu, đưa vào thực tại của mình. Tôi cũng học hỏi từ những người thầy. Học hỏi càng sớm, bạn càng tránh được lãng phí cả về thời gian và tiền bạc”, doanh nhân Ngọc Diệp cho hay.
Từng “ngã” rất đau vào năm 2011–2012 nhưng chỉ một năm sau, doanh nhân Hoài Anh đã bật dậy được nhờ bí kíp “Uy tín”. Chị giải thích: “Trong quá trình bạn làm việc, điều quan trọng nhất bạn cần giữ là uy tín, của cá nhân bạn và doanh nghiệp bạn. Khi bạn còn uy tín, bạn luôn có trợ thủ để bật dậy sau mọi thất bại”.
Khởi nghiệp là hành trình lâu dài, đầy mồ hôi và nước mắt. Nhiều bạn không chịu đựng nổi đã tìm về con đường làm thuê. Vì vậy, muốn đi hết chặng đường khởi nghiệp, bạn chẳng những phải chăm sóc công ty mà còn phải chăm sóc bản thân mình nữa.
Doanh nhân Hoài Anh dù bận rộn vẫn dành thời gian làm thơ, vẽ tranh vì đó là đam mê khiến chị thư giãn. Doanh nhân Ngọc Diệp lại thích đàn hát nên thường xuyên mời bạn bè đến nhà hàng Khoái, cùng ăn uống, hát ca. Có những ngày căng thẳng quá, 12 giờ đêm chị cũng ôm ghi-ta tự xả stress cho mình.
Hai chị đồng tình rằng: “Mỗi người khởi nghiệp nên có đam mê khác ngoài kinh doanh. Chỉ khi cân bằng được cuộc sống, bạn mới đủ sức đi đường trường”.
SÁCH HAY CHO NGƯỜI KHỞI NGHIỆP
TTGĐ trân trọng cảm ơn Công ty Cổ phần văn hóa Sách Sài Gòn (SAIGON BOOKS) cùng Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt – First News đã dành tặng những cuốn sách khởi nghiệp cho các thành viên đặt câu hỏi trong buổi sinh hoạt. Đây cũng là sách người khởi nghiệp nên đọc. Sách có bán tại nhà sách của Saigon Books, 97 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q. 1 và First News, 11H Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 1, TP. HCM cùng các nhà sách khác trên toàn quốc.
Những mô thức trong cuốn sách này sẽ giúp bạn chọn ý tưởng khởi nghiệp. Trong vô vàn ý tưởng mà bạn đang có đó, ý tưởng nào sẽ đáng để bạn theo đuổi nhất? Đồng thời, sau khi đọc sách, bạn cũng hình dung được những gì mình phải trải qua trên con đường khởi nghiệp này. Giá bìa: 198.000 đồng.
Sách tập hợp những chia sẻ của các doanh nhân đã và đang khởi nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh những người đã thành công còn có những người đang từng bước xoay sở với doanh nghiệp của mình. Các doanh nhân đó là Đặng Ngọc Hậu – Giám đốc điều hành Fundingvn.com; Huỳnh Quang Vinh – Phó tổng giám đốc Công ty Antesco; Lê Hoàng Thạch – Người sáng lập Dự án 7 Film Fest; Nguyễn Bá Ngọc – Chủ tịch Công ty NBN. Giá bìa: 80.000 đồng.
**Nguồn: https://tiepthigiadinh.vn/clb-khoi-nghiep-gia-dinh-lam-sao-de-khoi-nghiep-thanh-cong/